Lượt xem: 926
Người Trung Quốc từ cổ xưa vô cùng coi trọng văn hóa lăng mộ. Gia đình, thân tộc quan niệm, người đã khuất sẽ đi vào một thế giới khác nên luôn đối xử với họ như thể họ vẫn "đang còn sống".
Lăng mộ của người đã khuất luôn được chăm chút cẩn trọng. Thân phận, gia cảnh khác nhau thì quy cách lăng mộ cũng khác nhau.
Lăng mộ của hoàng đế và các quan lại được thiết kế rất công phu. Vị trí đặt lăng mộ sẽ được các thầy phong thủy xem xét kỹ lưỡng. Địa hình bên ngoài yêu cầu phải ổn định, không bị thiên tai, tốt nhất nên có sinh cảnh sông nước hoặc ở bên cạnh rừng cây.
Khai quật mộ cổ ở Trung Quốc (Ảnh: Sohu)
Đồ dùng trong lăng mộ tương ứng với thân phận của từng người. Quan văn luôn được chôn cùng các cuốn sách thánh, đặc biệt không thể thiếu bút, mực, giấy và bia mài mực. Lăng mộ của các quan võ thì bắt buộc phải có gươm, giáo… Trong mộ của những người có địa vị thường có thêm nhiều vàng bạc, châu báu.
Chính sự phong phú của những vật phẩm mà người chết mang theo đã khiến những tên đạo tặc tham lam bước qua đạo đức, xâm phạm mồ mả của người đã khuất.
Người Trung Quốc nhiều đời đã sớm nhận ra nạn trộm mộ. Vậy nên, khi thiết kế các ngôi mộ, họ thường tính tới phương án tạo ra những chiếc bẫy phòng thủ, đề phòng trộm cắp.
Trong suốt quá trình khảo cổ, các nhà khoa học Trung Quốc đã khám phá ra vô vàn cái bẫy thâm hiểm, thể hiện sự sáng tạo của người xưa.
Năm 1981, các nhà khoa học đất nước tỷ dân đã tìm ra một ngôi mộ như thế tại thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc.
Các nhà khảo cổ luôn là người đến sau những kẻ trộm mộ (Ảnh: Sohu)
Thời điểm đó, người dân tiến hành đào móng thực hiện một công trình xây dựng thì phát hiện ra một tấm bia đá. Thấy trên bia có nhiều văn tự cổ, họ nghi ngờ phía dưới lòng đất có lăng mộ nên đã báo cáo cho chính quyền địa phương.
Năm chuyên gia khảo cổ đã tới đánh giá tình hình. Một trong số họ cho rằng, năng lượng dương ở khu vực này tương đối lớn nên chủ nhân của ngôi mộ có thể là nam giới. Sau khi xác định được phạm vi lăng mộ, các nhà khảo cổ phỏng đoán, người chết có thể thuộc tầng lớp quân quan, quyền quý. Nếu như vậy, thì qua thời gian, ngôi mộ có lẽ đã không được yên ổn với những tên đạo tặc.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra nhiều xác chết khi khai quật ngôi mộ (Ảnh: Sohu)
Bước đầu, chuyên gia không khó để nhận ra các dấu hiệu cho thấy có sự đột nhập trước đó. Tuy nhiên, vào sâu đến bên trong, họ vô cùng ngỡ ngàng khi thấy cửa lăng mộ không bị cạy, lớp bụi gần như vẫn còn nguyên.
Sau khi khảo sát kỹ, các nhà khảo cổ học phát hiện ra rằng, sở dĩ ngôi mộ cổ này bất khả xâm phạm là do nó đã được thiết kế một chiếc bẫy rất hiểm độc, chỉ trực chờ tiêu diệt những tên trộm.
Trước đó, khi đào sâu vào phía trong, các nhà khảo cổ nhận thấy có rất nhiều bộ hài cốt lẫn trong đất cát. Càng khai quật sâu, những bộ xác khô lộ ra càng nhiều. Ước tính có khoảng 80 bộ hài cốt thuộc nhiều niên đại khác nhau chồng chất xung quanh mộ cổ. Họ chết trong nhiều tư thế.
Cảnh tượng bên trong khiến nhiều người ám ảnh (Ảnh: Sohu)
Xem xét kết cấu lăng mộ, các nhà khoa học nhận định, xung quanh tường và trên trần lăng mộ không phải đất thông thường mà đã thay thế toàn bộ bằng cát mịn. Cát này rất khô và dễ trôi.
Mỗi khi có người đào đường xuống lăng, dòng cát sẽ theo lỗ hổng do chính họ đào ra trôi xuống dưới. Cát chảy liên tục không thể dừng lại sẽ bịt kín đường lên, khi ấy các đạo tặc sẽ không có cách nào thoát ra.
Các lỗ hổng trong lăng mộ (Ảnh: QQ)
Đặc biệt, dưới lớp cát lún còn có rất nhiều viên đá ẩn mình. Những viên đá này rất sắc nhọn, sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. "Một ai đó nếu đã đến đây đào trộm mộ thì chỉ còn một con đường chết", một chuyên gia khai quật nói.
Với những đặc điểm trên, ngôi mộ này được mệnh danh là "ngôi mộ hiểm độc nhất Trung Quốc" hay "ngôi mộ giết người".
Mô phỏng lăng mộ cát lún (Ảnh: Sohu)
Năm 1981, lượng cát bên trên lăng mộ đã trôi hết nên khi các nhà khảo cổ bước vào, hiện tượng cát lún không xảy ra nữa.
Sau đó, các nhà khảo cổ đã mở lăng mộ ra và tìm thấy rất nhiều di vật. Chính vì cấu trúc phòng thủ bên ngoài được thiết kế độc đáo nên ngôi mộ cùng các đồ tùy táng vẫn còn nguyên vẹn. Niên đại của ngôi mộ được xác định khoảng 1.000 năm cách thời điểm khai quật.
Ngôi mộ này được xem là hiếm gặp trong lịch sử Trung Quốc. Dù ngôi mộ không bị đột nhập nhưng các nhà khảo cổ không tìm thấy văn bia hay tài liệu lịch sử nào tiết lộ thông tin về danh tính người nằm trong mộ. Chủ nhân của ngôi mộ hiểm độc nhất Trung Quốc này đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Theo Sohu, QQ
Liên hệ với taobaovietnam.vn để được Tư Vấn. Taobaovietnam.vn luôn cố gắng nỗ lực để phục vụ quý khách một cách tốt nhất.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN