Tỷ giá: 3,625 Đ/NDT Hotline: 0969.191.444

Tất Tần Tật Về Ngày Lễ Thất Tịch Ở Trung Quốc

Lượt xem: 776

Ngày lễ tình nhân của các nước phương Tây là ngày Valentine 14/2. Vậy bạn có biết ngày lễ tình nhân của Quốc là ngày nào không? Chính là lễ Thất tịch 7/7 hằng năm đấy. 

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc

Thất là “七 - bảy”, tịch là “夕 - chiều tối”. Vậy Thất Tịch có nghĩa là Chiều Tối Ngày Mồng 7 Âm Lịch. Lễ thất tịch hay còn gọi là lễ Khất Xảo diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của Trung Quốc. Cùng với sự phát triển mở rộng giao lưu văn hóa của xã hội, lễ thất tịch dần dần trở thành ngày lễ tình nhân của các nước phương Đông.

Lễ Thất Tịch là ngày lễ tình nhân ở Trung Quốc

Nguồn gốc Lễ Thất Tịch

Ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc bắt nguồn từ truyền thuyết tình yêu vô cùng cảm động “Ngưu Lang Chức Nữ”. Truyền thuyết kể rằng, Ngưu Lang là chàng trai hiền lành, chăm chỉ. Cha mẹ mất sớm, Ngưu Lang sống chung với anh và chị dâu nhưng lúc nào cũng bị ngược đãi. Ngưu Lang bị đuổi ra sống riêng, cùng bầu bạn với một con trâu già.

Chức Nữ (织女 - nghĩa lã cô gái dệt vải) là một vị tiên trên trời - cô em út xinh đẹp nhất trong 7 nàng tiên con của Ngọc Hoàng và Vương mẫu nương nương. Ngày nọ, Chức Nữ cùng các chị của mình xuống nhân gian chơi, tắm rửa, nô đùa ở một dòng sông. Trâu già đã bày kế giúp Ngưu Lang và Chức Nữ quen nhau. Từ đó, hai người yêu thương nhau và kết duyên vợ chồng. Cả hai sống với nhau rất hạnh phúc và có hai người con, một trai, một gái. Lúc trâu già sắp chết có dặn Ngưu Lang hãy giữ lại bộ da của mình, hãy sử dụng nó khi có chuyện nguy cấp. Vợ chồng Ngưu Lang nghe lời trâu căn dặn. Khi trâu chết, nén đau thương lột da trâu và chôn xác nó trên sườn núi.

Hạnh phúc kéo dài không bao lâu, Ngọc Hoàng và Vương mẫu nương nương phát hiện được việc Chức Nữ lén lút kết hôn với người phàm, đã vô cùng tức giận, liền phái các tiên nữ xuống nhân gian bắt Chức Nữ về. Về nhà, không thấy vợ đâu, Ngưu Lang vội vàng tìm kiếm, khoác áo da trâu gánh hai con đuổi theo. Thấy Ngưu Lang sắp đuổi tới, Vương mẫu nương nương đã lấy trâm cài vạch một đường xuống sông Ngân – con sông vốn dĩ nước trong veo đã trở nên đục ngầu, sâu không thấy đáy. Ngưu Lang không thể nào vượt qua, chỉ biết ôm con khóc, cách con sông mà ngóng trông vợ. Chức Nữ cũng vô cùng đau khổ, mỗi ngày đều nhìn về phía sông Ngân mà khóc.

Ngọc Hoàng và Vương mẫu nương nương vô cùng cảm động trước tình cảm của họ. Khi biết là không thể nào chia cắt được tình cảm này nên đã đồng ý cho gia đình Ngưu Lang đoàn tụ vào ngày Thất Tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Tương truyền, vào ngày này hằng năm, đàn chim Hỉ Thước sẽ bay lên trời, tạo thành một cây cầu kết nối giữa nhân gian và thiên đình để Ngưu Lang và các con được đoàn tụ với Chức Nữ. Đây là ngày hạnh phúc nhất của gia đình trong một năm, nên về sau ngày 7 tháng 7 âm lịch trở thành ngày lễ tình nhân dành cho các cặp đôi.

Ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch

Ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc ban đầu là ngày lễ dân gian để tưởng nhớ vị tiên nữ thứ bảy Chức Nữ. Theo truyền thuyết, Chức Nữ là tiên nữ đảm nhận việc thêu thùa, dệt vải. Nàng cũng là người đầu tiên đã phát hiện ra tơ tằm. Ngày lễ thể hiện sự tôn kính của con người với thiên nhiên và những người phụ nữ giỏi giang. Cũng là ngày toàn thể nữ nhi cầu nguyện với đất trời những điều tốt lành sẽ đến với mình trong tình yêu và hôn nhân. Truyền thuyết còn gắn ngày này với tình yêu vô cùng cảm động, vượt qua ranh giới thần - người. Sau này  ngày lễ thất tịch trở thành ngày lễ tình nhân của người dân Trung Quốc nói riêng và một số nước Đông Á nói chung.

Những tập tục phổ biến vào ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc

Xâu kim, thêu thùa

Vào ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc, các cô gái sẽ tổ chức xâu kim, thêu thùa để cầu nguyện với với cô tiên “thợ dệt” – Chức Nữ với mong muốn được ban cho đôi bàn tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh.

Từ xa xưa, người Trung Quốc còn có tập tục, thả kim trên mặt nước vào ngày lễ thất tịch. Cây kim không bị chìm xuống nước, sẽ tượng trưng cho sự thông minh và khéo léo của các cô gái. Tập tục này cũng từng được thể hiện trong bộ phim nổi tiếng một thời “Diên hy công lược”.

Trồng cây cầu tử

Theo phong tục từ xưa của người Trung Quốc, trước ngày lễ thất tịch, người phụ nữ sẽ rải đất vào một khay gỗ và vùi các hạt đậu vào đó, chăm sóc đợi nó nảy mầm. Các mầm cây phát triển xanh tốt, đại biểu cho mong ước về con cái, sớm có thiên thần nhỏ sẽ trở thành hiện thực.

Bái Chức Nữ

Hàng năm, vào đêm thất tịch, các cô gái sẽ cúng bái Chức Nữ để cầu mong được xinh đẹp, khéo tay và có được gia đình hạnh phúc, ấm no. Bàn tế lễ thường có một bình hoa tươi có buộc chỉ đỏ, lư hương, hoa quả, ngũ tử (quế, táo đỏ, bảng tử, lạc, hạt dưa)... Ngoài ra, có một vật không thể thiếu trong trên mâm cúng đêm thất tích đó chính là “thau thất tỷ”, thau được đan bằng nan tre, dán giấy bên ngoài, bên trong có hình ảnh cầu ô thước, Ngưu Lang, giày dép, quần áo và đồ trang sức . Các cô gái vây quanh, vừa ăn ngũ tử, vừa ngắm sao Chức Nữ và thầm cầu nguyện.

Các món ăn trong ngày lễ Thất Tịch Trung Quốc

饺子 Sủi cảo

Khi xưa có tập tục Khất Xảo (cầu xin tay chân nhanh nhẹn, nâng cao kỹ xảo thêu thùa) rất thú vị: bảy cô gái tập trung lại góp nguyên liệu cùng làm sủi cảo, mang 1 đồng tiền, 1 cây kim, 1 quả táo đó gói trong sủi cảo, sau khi Khất Xảo xong, các cô gái cùng nhau ăn sủi cảo, tương truyền rằng ăn phải đồng tiền thì có phúc, ăn phải kim thì tay chân nhanh nhẹn, ăn phải táo đỏ thì kết hôn sớm.

巧果  Xảo quả

Dùng bột mì tạo hình thành nhiều  vật nhỏ xinh xắn, rồi chiên với dầu gọi là “Xảo quả”. Tối Thất Tịch bày lên mâm cúng cùng với đài sen tươi, củ sen trắng, củ ấu đỏ, … … Xảo Quả nổi tiếng nhất trong các món ăn ngày Thất Tịch, nguyên liệu chính gồm: dầu, bột mì, đường, mật ong.
 

巧酥  Xảo Tô - Các loại bánh ngọt nhỏ

Hiện nay còn rất nhiều tiệm bán bánh ngọt dân gian thích làm các loại bánh ngọt nhỏ hình Chức Nữ, gọi là Xảo Nhân (người nhỏ nhắn thông minh lanh lợi), Xảo Tô (bánh ngọt nhỏ xinh xắn), khi bán cho người mua còn gọi là Tống Xảo Nhân (tặng người nhanh nhẹn), hoặc người lớn tuổi trong dịp này thường tặng cho các cô gái nhỏ Xảo Tô, ý cầu chúc người ăn bánh sẽ trở nên tay chân nhanh nhẹn thông minh.

瓜果  Trái cây

Trong ngày Thất Tịch đặt biệt này, tất nhiên là không thể thiếu trái cây. Trái cây đêm Thất Tịch cũng có nhiều biến hóa khác nhau, có người thích điêu khắc trái cây thành nhiều hình thù chim chóc khác nhau.

鸡  Gà

Nhằm thể hiện nguyện vọng mong Ngưu Lang Chức Nữ hàng ngày có thể sống cuộc sống gia đình hạnh phúc, ở khu vực Chiết Giang Kim Hoa, ngày 7 tháng 7, nhà nào cũng phải giết 1 con gà, do đêm này Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau, nếu gà trống không gáy thì hai người có thể vĩnh viễn ở bên nhau.

五子 Ngũ Tử

Trong đêm Thất Tịch “Cúng Chức Nữ” trở thành đại sự của các cô gái trẻ. Vật cúng bái gồm: Trà, rượu, trái cây tươi, càng không thể thiếu ngũ tử (Nhãn nhục, táo đỏ, quả phỉ, đậu phộng, hạt dưa). Sau khi châm hương cầu khấn thì các vật cúng bái này cũng trở thành món ăn khuya của các cô gái.

绿豆芽  Giá

Trước khi ngày lễ Thất Tịch đến, các cô gái sẽ cho đậu xanh vào hộp ngâm nước, để cho đậu lên mầm đến khoảng hơn 5cm thì mang ra cúng, mang ý nghĩa “Rau bái thần”.

Từ vựng về ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc

Hán Tự Phiên Âm Nghĩa Tiếng Việt
 七夕节 qīxì jié Lễ thất tịch
 情人节 qíngrén jié Lễ tình nhân
 乞巧节  qǐqiǎo jié lễ Khất Xảo
 阴历 yīnlì Âm lịch
 习俗 xísú Phong tục
 传统 chuántǒng Truyền thống
 传说 chuánshuō Truyền thuyết
 民间故事  mínjiān gùshì câu chuyện dân gian
 喜鹊桥 xǐquèqiáo Cầu Hỷ Thước
 银河  yínhé ngân hà
 祝福 zhùfú chúc phúc
 织女 zhīnǚ Chức Nữ
 牛郎 niúláng Ngưu Lang
 王母娘娘 wángmǔniángniáng Vương Mẫu Nương Nương
 玉皇大帝 yùhuángdàdì Ngọc Hoàng Đại Đế
 七仙女  qīxiānnǚ thất tiên nữ
 拜织女 bài zhīnǚ bái Chức Nữ
 月老庙 yuèlǎo miào miếu nguyệt lão
 穿针乞巧 chuān zhēn qǐqiǎo xâu kim Khất Xảo
 巧果 qiǎo guǒ xảo quả
 吃巧果 chī qiǎoguǒ ăn Xảo quả
 果盘 guǒpán mâm hoa quả
 供品 gòngpǐn đồ cúng
 饺子 Jiǎozi sủi cảo
 瓜果 guā guǒ trái cây (thuộc họ bầu bí)
 鸡
 五子 wǔzǐ ngũ tử
 绿豆芽 dòuyá giá
 浪漫 làngmàn Lãng mạn

 

Thành ngữ liên quan đến Thất tịch

  情有独钟  /Qíngyǒudúzhōng/ tình yêu duy nhất
 郎才女貌 /Lángcáinǚmào/ trai tài gái sắc
 永结同心 /Yǒngjiétóngxīn/ vĩnh kết đồng tâm
 百年好合 /Bǎiniánhǎohé/ trăm năm hòa hợp
 天长地久 /Tiānchángdìjiǔ/ thiên trường địa cửu
 一日不见,如隔三秋 /Yīrìbùjiàn, rúgésānqiū/ 1 ngày không gặp như cách 3 thu
 两情相悦 /liǎng qíng xiāng yuè/ Lưỡng tình tương duyệt

Ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc các đôi tình nhân thường dành tặng cho nhau những món quà hoặc gửi hồng bao liên quan tới những con số 520 (我爱你 – Anh yêu em), 9420 (就是爱你 – chính là yêu em) hoặc 25251325 (爱我爱我一生爱我 – Yêu em yêu em, một đời yêu em)... để bày tỏ tình yêu với đối phương.

Vào ngày lễ Thất tịch, trời thường đổ mưa. Nếu không mưa, sẽ thấy được sao Chức Nữ rất sáng. Người ta quan niệm rằng, nếu các cặp đôi yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ vào ngày lễ thất tịch thì sẽ được bên nhau mãi mãi. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng tin rằng, nếu những ai còn cô đơn, chưa tìm được đối tượng ưng ý, ăn chè đậu đỏ trong ngày thất tịch sẽ sớm tìm được tình yêu đích thực nữa đấy.

Hãy chia sẻ với mọi người để cùng nhau học được những lời chúc hay nhé. Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ngày lễ thất tịch ở Trung Quốc rồi phải không? Chúc bạn có một ngày lễ thất tịch thật hạnh phúc bên một nửa yêu thương nhé!

Liên hệ với taobaovietnam.vn để được Tư Vấn. Taobaovietnam.vn luôn cố gắng nỗ lực để phục vụ quý khách một cách tốt nhất.

Đăng ký tư vấn đặt hàng trung quốc miễn phí

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Top